100 chữ Ngộ - Sự thông suốt.

     Trong "thư pháp", nếu ta chỉ cảm nhận đó là một chữ đẹp thì có lẽ chưa đủ. Một chữ viết có hồn là một chữ viết khiến ta cảm thấy thích thú, say sưa khi thưởng lãm, cảm thấy say mê đến từng nét bút. Và điều quan trọng là, từ sự say sưa đó ta cảm nhận được những bài học, những triết lý trong mỗi chữ viết. Bởi vậy cái ý trong chữ là rất quan trọng, thành công của một chữ không phải ở chỗ nó đẹp hay xấu... mà thành công là khi chữ viết không chỉ là chữ mà nó còn là phương tiện để truyền tải đạo lý, triết lý.

     Nói về chữ "Ngộ", nhiều người có thế nghĩ đó là "ngộ nghĩnh", "tao ngộ"... Tất nhiên điều đó là đúng, bởi ngữ pháp tiếng Việt của ta rất bao la. Người ta nói "phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam" mà. Tuy nhiên, cái hay của chữ, là khi sử dụng chữ trong trường hợp nào thì người đọc sẽ hiểu đúng ý nghĩa theo cái ngữ cảnh mà người viết (nói) muốn truyền đạt.

    Trong trường hợp này, Thư Pháp vốn là một phương tiện truyền tải đạo lý, vì vậy nên khi ta bắt gặp một chữ "Ngộ" thì người đọc sẽ hiểu đó là "Giác Ngộ", là thấu hiểu, là tỉnh thức... Giữa cuộc sống bộn bề này, mỗi khi ta rút ra cho mình một bài học, ta thấu hiểu một chân lý, thì lúc đó ta "ngộ". Bởi vậy, nếu viết chữ "Ngộ" ta có thể viết cả đời cũng không hết, vì cuộc sống thì mênh mông và vô thường, còn con người chỉ là hạt cát bé nhỏ mà thôi.
  


     Nói về chữ Ngộ này, nếu như nhìn sơ qua thì ta có thể thấy nó lạ ở những nét xước rất ngẫu hứng. Và chỉ dừng lại ở cái "lạ" đó thôi... còn nếu để ý kĩ hơn, thì ta có thể thấy chữ được viết liên bút từ khởi bút chữ N đến dấu mũ và kết thúc ở dấu nặng. Liên bút ở đây không phải là tất cả các nét dính liền vào nhau, mà liên bút ở đây ý nói đến sự liên tục của nét, xu hướng của nét... (có thể hiểu nôm na là: Thâu bút chữ N móc ngược lên để khởi bút chữ G, thâu bút chữ G móc ngược lên để bắt đầu chữ O và thâu bút chữ O tiếp tục móc lên để bắt đầu nét mũ...)

     Chữ muốn gởi gắm một thông điệp, đó là khi cái tâm (người ta thường nói là tâm bút hợp nhất) thông suốt thì sẽ gần "Đạo", sẽ đi liền mạch đến chân lý. Phàm làm một cái gì đó trên đời, phải xem cái tâm ta đã thông chưa, một khi tâm thông suốt, phàm làm điều gì cũng dễ dàng.

     Với chữ Ngộ này... ta đã "ngộ" ra chân lý của cuộc sống: mọi việc làm đều xuất phát từ tâm, hãy luôn giữ tâm tịnh và thông suốt thì ta sẽ cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn biết bao (Đó cũng là lý do nét mũ của chữ O rất gọn gàng và không một vết xước...)

Thư Viên.

    





Share on Google Plus

About Unknown

GIÁ TRỊ BỀN VỮNG
Share Emphasis