Cái nhìn đối với thư pháp chữ Việt.

        Từ hồi còn bé đã nghe cô giáo dạy văn nói câu “nhất chữ, nhì trang, tam sành, tứ kiểng”. Ngày đó nghĩ cô giáo ý nói học trò phải luyện vở sạch chữ đẹp, lớn hơn một chút thì biết câu trên ý nói đến những thú chơi của người xưa. Trong những thú chơi tao nhã đó thì “chữ” được xếp thứ nhất, và được xem như là loại hình nghệ thuật cao quý. Cũng trong thơ Vũ Đình Liêm “mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già, bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua”, không chỉ là loại hình nghệ thuật, thư pháp còn là một phần không thể thiếu của ngày xuân, chữ cũng là phương tiện để truyền tải đạo lý cũng như thể nguyện ước muốn của con người.



     Thư pháp được hiểu là phương pháp viết chữ được thể hiện bằng văn phòng tứ bảo: “bút, nghiên, giấy, mực”.  Thư pháp là chữ viết, nhưng nó không chỉ dừng lại ở chữ viết mà còn nâng lên thành nghệ thuật, có nền tảng lý luận và mang đậm tính triết lý, thiền học. Thư pháp có xuất sứ từ Trung Hoa với lịch sử rất lâu đời và để lại vô vàn những kiệt tác cho nhân loại, theo thời gian và sự giao thoa văn hóa thì thư pháp lan truyền sang các nước á đông, trong đó có Việt Nam. Trước đây, khi chúng ta chưa hình thành được chữ viết riêng thì những ông đồ ngồi bên góc phố vẫn viết thư pháp bằng chữ Hán, sau đó là chữ Nôm. Đến bây giờ thì là thư pháp chữ Quốc Ngữ.

   Sự vận động của thư pháp chữ Việt cũng hoàn toàn dễ hiểu, khi chúng ta sử dụng chữ Quốc Ngữ là ngôn ngữ chính thì buộc người viết chữ phải thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Đối với chữ Việt, thư pháp không phải là điều gì đó quá cao siêu, quá xa lạ… mà chính là những gì mà cuộc sống mang lại. Chữ là phương tiện để tải đạo, là lòng người gởi gắm vào chữ cũng như lời chúc phúc trong những ngày tết đến xuân về.

   Tuy nhiên, bởi vì thư pháp Việt chỉ đang trong giai đoạn manh nha hình thành và phát triển một cách tự phát bởi những người có tâm huyết và đam mê, nên vẫn chưa có nền tảng và lý luận vững chắc. Trong thư pháp thì chữ Việt chỉ mới như đứa trẻ chập chững bước những bước đi đầu tiên, còn chặng đường dài và gian nan. Tất nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận những gì mà thư pháp Việt mang lại. Nó như một phần truyền thống, khơi gợi lại hình ảnh xưa, những nét văn hóa đang dần mai một với thời gian và vòng xoay của xã hội… Những người viết thư pháp là những người đã đứng ra giữa dòng chảy ấy và níu giữ lại kí ức xưa.

   Từ quá khứ đến hiện tại dù là rất xa nhưng lại thật gần, thời gian sẽ làm chúng ta lãng quên đi nhiều thứ, nhưng chỉ cần bắt gặp một hình ảnh nào đó thôi thì mọi thứ lại ùa về vẹn nguyên. Trong thư pháp cũng vậy, đã có lúc chúng ta nghĩ sẽ chẳng còn ai ngồi bên phố cho chữ ngày xuân, thế mà những hình ảnh ấy lại được tái hiện lại ở hiện tại, tuy những hình ảnh ấy giờ hiện đại và lộng lẫy nhưng cũng phần nào khơi gợi lại kí ức của những con người hoài niệm.

    Cũng trong những bài học của cô giáo dạy văn, "Văn dĩ tải đạo", và tất nhiên, thư cũng là một phần của "văn". Bản thân người viết thư pháp phải là người am hiểu về thơ văn và đạo lý. Phải là người học rộng và kiến thức uyên sâu... phải như thế mới là người viết chữ và cho chữ. Trao cho người một câu chữ, không chỉ là trao cái vẻ đẹp của chữ mà trong đó còn là cái tâm của người viết, cái đạo lý sâu xa ở trong con chữ, thần thái và tâm hồn của người viết... Bởi vậy, đâu phải cứ nói viết được chữ bằng bút lông là viết thư pháp đâu. Và cũng đâu phải bức thư pháp nào cũng "tải đạo" đâu.


Đã biết là vô thường
Sao lại còn phiền não.










'





Share on Google Plus

About Unknown

GIÁ TRỊ BỀN VỮNG
Share Emphasis